Ngôi
nhà đồ chơi phố năm tầng với kiến trúc hiện đại, nhỏ gọn ở số 26 đường Seah ở
trung tâm Singapore là một ngôi nhà thật đặc biệt, là nơi đưa con người
trở về với hoài niệm của tuổi thơ qua không gian trưng bày của hơn
50.000 món đồ chơi được chủ nhân sưu tầm từ 44 quốc gia trên khắp thế
giới.
Tấm
biển đề nhỏ gọn “Museum of Toys” (Bảo tàng đồ chơi) quả thực gây cho
tôi một sự chú ý khi lang thang trên đường Seah. Nhìn lên toà kiến trúc
ấy, chỉ là một không gian nhà phố với lối thiết kế phần mặt tiền được
phủ bằng 26 tấm kính chắn sáng, sắp xếp theo kiểu dợn sóng, tạo cho kiến
trúc của ngôi nhà có một phong cách riêng và nổi trội hơn so với các
kiến trúc hiện đại khác bao quanh nó. Thế nhưng, nếu không có tấm biển
đề “Bảo tàng đồ chơi” thật khó có thể hình dung toà nhà này lại mang một
công năng như thế, bởi đến Singapore mà nhắc đến bảo tàng, hầu hết đó
đều là những toà nhà cổ đồ sộ, hoành tráng, đẹp hoàn hảo từ kiến trúc
đến các hiện vật trưng bày trong nó, chứ không phải là một không gian
nhà phố thông thường.
Đi tìm sự hoài niệm
Bước theo dãy
hành lang vào sảnh chính của ngôi nhà đồ chơi, Richard Tan – phụ trách quản lý
Bảo tàng đồ chơi cho tôi biết thêm thông tin ngôi nhà cũng chính là bảo
tàng đồ chơi đầu tiên trên thế giới, được mở cửa giới thiệu với công
chúng từ tháng 5.2006.
Nghĩ đến đồ chơi, tưởng rằng đó chỉ là
lĩnh vực cuốn hút lứa tuổi nhi đồng, niên thiếu, nhưng ở Bảo tàng đồ
chơi, lượng người lớn tham quan chiếm số đông, bởi đó là nơi đem đến cho
người xem những hoài niệm về tuổi thơ mà đôi khi người ta đã quên mất
nó. Richard giới thiệu thêm về bảo tàng: “Bảo tàng đồ chơi, hay còn gọi
là Mint (Moment of Imagination and Nostalgia with Toys) có nghĩa là
khoảnh khắc của sự tưởng tượng và hoài niệm cùng đồ chơi. Đây là một bảo
tàng duy nhất trên thế giới trưng bày đồ chơi của 44 quốc gia, hầu hết
những đồ chơi này đều gắn liền với những hoài niệm, được bảo lưu nguyên
vẹn cả hộp theo xuất xứ ban đầu, bao gồm rất nhiều loại đồ chơi cực hiếm
trên thị trường, được sắp xếp theo từng bộ, từng chủ đề khác nhau với
niên đại từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20”.
Cầu thang được thiết kế hiện đại, là điểm nhấn đẹp nối kết giữa năm tầng lầu của bảo tàng đồ chơi.
Do
ở trong một không gian nhà phố, nên mọi vị trí trống đều được tận dụng
để trưng bày các hiện vật đồ chơi. Từng không gian trưng bày đưa người
xem bước vào một hành trình khám phá, không chỉ là những trò chơi hiện
hữu, qua đó còn là những câu chuyện liên quan về dòng chảy văn hoá, lịch
sử, những biến cố đã xảy ra trong thời quá khứ ở nhiều quốc gia khác
nhau. Cùng một loại hình đồ chơi sản xuất năm 1970 như chú Robot, nhưng ở
Đức làm kiểu khác, Nhật kiểu khác, Mỹ lại một kiểu khác... Không gian
trưng bày đưa người xem có một so sánh đầy thú vị, hấp dẫn, và người xem
hiểu rõ hơn những câu chuyện khác nhau, thể hiện bối cảnh của quốc gia
nơi món đồ chơi ấy được tạo ra.
Toàn bộ các hiện vật sưu tập
trong nhà đồ chơi được ước giá 5 tỉ đôla Singapore, được chủ nhân
sưu tầm trong quãng thời gian hơn 30 năm, bao gồm những đồ chơi gắn liền
với trí nhớ tuổi thơ của nhiều người như các nhân vật trong phim hoạt
hình Disneyland, chú bé vũ trụ, Người dơi, Popeye, Tintin, James Bond,
Betty Boop, chuột Mickey, búp bê Barbie, Robbie the Robot, King Kong,
Star Wars, xe lửa, xe đua, chú lính, chàng cao bồi, cả búp bê ban nhạc
Beatles... Hơn nửa số hiện vật này được sưu tầm tại Singapore và được
xem là một phần di sản của đất nước này.
Kiến trúc độc đáo theo phong thuỷ
Bảo
tàng đồ chơi được kiến trúc sư nổi tiếng Chan Soo Khian thiết kế, và đã
giành được nhiều giải thưởng quốc tế về kiến trúc tại Singapore trong
hai năm 2006 và 2008, Chicago – Mỹ năm 2007, và Lyons – Pháp năm 2010.
Richard
giới thiệu thêm về kiến trúc của bảo tàng: “Ý tưởng chủ đạo chúng tôi
chọn chính là vận dụng phong thuỷ vào thiết kế của toà nhà. Bảo tàng
chúng tôi có năm tầng, tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất. Tầng
trên cùng là quầy bar tượng trưng cho hành kim, tầng bốn làm nơi trưng
bày bộ sưu tập nhân vật Popeye tượng trưng cho hành thuỷ, tầng ba trưng
bày những đồ chơi làm từ gỗ, tượng trưng cho hành mộc, tầng hai là hành
thổ trưng bày những đồ chơi đủ loại, đủ chất liệu khác nhau, tầng dưới
cùng là nhà hàng, nơi nấu nướng nên tượng trưng cho hành hoả”.
Mỗi tầng lầu, tương ứng với mỗi yếu tố trong ngũ hành là những trưng bày
có chủ ý, được sắp xếp rất bài bản, như ở tầng ba – hành mộc là những
món đồ chơi gắn liền với văn hoá Trung Hoa, đó là những con búp bê được
làm từ gỗ, có niên đại từ thập niên 20 của thế kỷ 20, được tạc rất sinh
động, mặc những trang phục thời xưa, thể hiện nét mặt, tính cách phong
phú và đa dạng. Đây là những món quà mà người mẹ thường tặng cho con gái
trước khi về nhà chồng, một nét văn hoá người Hoa xưa ở Singapore. Tầng
ba cũng là tầng có lối thiết kế kiến trúc độc đáo phỏng theo hình một
chiếc hộp đựng đồ chơi treo lơ lửng trên trần nhà. Ở tầng này người xem
còn được chiêm ngưỡng con búp bê đầu tiên do nghệ nhân nổi tiếng Michael
Lee làm ra năm 1946 khi ông đến Hong Kong tìm thời vận.
Là không gian ăn uống, nên hầu hết các hình ảnh trang trí đều liên quan đến ẩm thực.
Những
đồ chơi trưng bày ở bảo tàng đưa người xem hết ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác, và càng xem càng tỏ lòng thán phục chủ nhân đã kỳ công sưu
tầm những hiện vật độc đáo đến vậy. Không chỉ riêng đồ chơi, cả những
thùng đựng dùng để đóng đồ chơi gửi cho người mua cũng được sưu tầm, gìn
giữ một cách kỹ lưỡng.
Ngoài giá trị về mặt thời gian, những
hiện vật ở nhà đồ chơi còn gây ngạc nhiên với người xem bởi giá
thực của nó trên thị trường. Chẳng hạn như cỗ xe chuột Mickey của Đức
làm từ năm 1930 định giá 35.000 đôla Mỹ, hẳn sẽ gợi trí tò mò với nhiều
người. Hay chú hề đạp xe xuất xứ từ Anh được sản xuất từ năm 1800 mà nay
vẫn còn nguyên vẹn.
Những sắp xếp ở bảo tàng cũng được chú trọng
như ở hành thổ của tầng hai, với chủ đề xoay quanh những nhân vật hoạt
hình gồm chó – mèo – chuột. Cách thể hiện trong không gian trưng bày thể
hiện cho người xem thấy một quy luật tương tự trong tự nhiên đó là chó
đuổi mèo và mèo đuổi chuột. Một sắp xếp thú vị gây hấp dẫn cho người
xem.
Dạo bước trong Bảo tàng đồ chơi Singapore, cứ như ngược thời
gian để khám phá vô vàn điều thú vị, gần gũi, thân thương từ những món
đồ chơi tưởng rằng vô tri, nhưng chứa đựng cả một câu chuyện dài về văn
hoá, lịch sử từ các quốc gia trên thế giới, và cách sử dụng công năng
của toà nhà cùng lối thiết kế kiến trúc độc đáo của nó, cũng là một điểm
nhấn thú vị, hấp dẫn khác cho những ai đến với Bảo tàng đồ chơi ở
Singapore.