Nguyễn Hoàng Quân - học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Thái Bình dàn trên bàn học của mình hàng chục đồ vật, những quyển tập, sách để lộn xộn, những chai nước, đèn học..., thậm chí những móc quần áo cũng được bày ra tạo thành mớ hỗn độn. Sau đó, từ chùm chìa khóa của mình, Hoàng Quân lấy ra chiếc ván trượt nhỏ xíu, rộng chưa đến 30 mm, chiều dài hơn 100 mm, có gắn 2 “bánh” nhỏ phía dưới và bắt đầu biểu diễn.
Bàn tay được co cụm lại “đóng vai” thân người, hai ngón giữa và ngón trỏ trở thành... đôi chân. Ngoe nguẩy hai ngón tay - là “đôi chân” rồi bước lên ván trượt những đường dài, có khi “đôi chân” cùng “bay” lên, đảo lộn với ván trượt rồi tiếp đất an toàn, hay có lúc cùng trượt trên những thanh móc quần áo nhỏ hẹp, những cạnh bàn... khiến người xem mê tít. Hoàng Quân giải thích: “Đống đồ vật được bày ra khi nãy chính là những chướng ngại vật để “đôi chân” điều khiển ván trượt vượt qua bằng những thủ thuật khác nhau.
Còn trượt bằng một “chân” hay hai “chân” thì tùy vào “địa hình”, tùy cơ ứng biến để điều khiển ván trượt. Nếu bằng phẳng thì trượt rất đơn giản, còn hiểm trở thì sử dụng những chiêu khác nhưng phải làm sao đó giữ được ván trượt không bị tuột quá đà rời khỏi “đôi chân” của mình, dù có lúc “bay” lên “hạ” xuống nhưng bắt buộc ván trượt và “đôi chân” luôn gắn kết cùng nhau”. Hoàng Quân chia sẻ thêm: “Khi chơi Finger Skate nên chọn những nơi có khu vực xung quanh hơi tối, chỉ để sáng ở nơi chơi vì như thế bàn tay của mình sẽ giống với hình cơ thể người hơn và hai ngón tay sẽ y hệt như đôi chân. Nếu sáng tạo thì lồng vào hai ngón tay những mảnh vải hoặc dán băng keo cá nhân tạo hình như đang mặc quần, khi đó bạn bè xem sẽ có cảm giác thú vị như đang được coi lướt ván thật”.
Một lần tình cờ vào trang YouTube.com, thấy những video clip chơi Finger Skate của các bạn đồng trang lứa trên thế giới, Hoàng Quân như bị hút hồn bởi những màn biểu diễn hết sức thành thục, chỉ bằng hai ngón tay mà điều khiển được ván trượt nhỏ xíu nhào lộn. Lại có những video clip hướng dẫn chi tiết từng động tác, từng thủ thuật nên Quân cứ mở xem đi xem lại nhiều lần và bắt chước tập theo. Việc tập cũng đơn giản khi rất dễ thiết kế địa hình với bất kỳ đồ vật nào. Sau đó, Quân giới thiệu cho các bạn cùng lớp và bắt đầu “phủ sóng” rộng ra khắp trường. “Nhưng khi ấy ván trượt là do mình tự chế bằng những tấm bìa carton và gỗ, lấy bánh xe trong hộp quẹt gas làm bánh rồi gắn lại và chơi. Còn bây giờ thì mình chơi với chiếc ván trượt được bán ngoài shop, địa hình cũng đã có thêm những lồng máng, cầu thang, bậc thang phức tạp”, Hoàng Quân kể.
Được biết, những chiếc ván trượt tí hon như thế đang có mặt ở nhiều shop quà lưu niệm, giá mỗi ván trượt dao động từ 40 đến 70 ngàn đồng. Tuy nhiên trước khi trò Finger Skate được phát hiện thì hầu hết những ván trượt này được sử dụng làm... móc chìa khóa. Đến nay những chiếc ván tí hon đã trở thành công cụ cho trò chơi hết sức mới lạ và thú vị, thu hút đông đảo bạn trẻ, đặc biệt là giới học sinh. Nhiều diễn đàn trên mạng cũng bắt đầu có những bài viết liên quan đến trò chơi này như trao đổi những kinh nghiệm, chia sẻ những thủ thuật, kỹ thuật biểu diễn, cách chơi cho những thành viên mới “vào nghề”, hướng dẫn cách làm hoặc các địa chỉ shop bán ván trượt...
Bài đăng tương tự:
Ván Trượt Tay
Kỹ Thuật Ollie Bật Ván Trượt Tay
Bài đăng tương tự:
Ván Trượt Tay
Kỹ Thuật Ollie Bật Ván Trượt Tay
Sơ lượt về Finger Skate - Lướt ván bằng ngón tay.